Thế tam mã Grab – Be – GSM

Theo báo cáo The Connected Consumer quý I/2024 của Decision Lab, Grab vẫn là ứng dụng gọi xe được ưa chuộng nhất tại Việt Nam với 64% người dùng. Ảnh: shutterstock.com

 
Be và GSM là 2 đối thủ không tuân theo bất cứ “luật chơi” nào của Grab trong cuộc đua cạnh tranh thị phần gọi xe ở Việt Nam.

Báo cáo quý II/2024 của Grab có nhiều tín hiệu tích cực như doanh thu đạt 664 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sự phát triển của dịch vụ giao hàng, di chuyển, quảng cáo trong ứng dụng và dịch vụ tài chính.

Cái giá cho vị trí dẫn đầu 

Mảng giao hàng (gồm hàng hóa và đồ ăn) góp phần lớn vào doanh thu của Grab với 356 triệu USD, tăng 11% so với năm ngoái và vượt qua dịch vụ khai sinh ra đơn vị này là vận chuyển, chỉ 247 triệu USD. Cho vay đang là mảng thử nghiệm có tiềm năng khi đóng góp 60 triệu USD doanh thu. Đây cũng là mục tiêu các siêu ứng dụng hướng tới khi tiếp cận lượng người dùng khổng lồ ở Đông Nam Á. Mảng tiếp theo là quảng cáo trong ứng dụng, không công bố số liệu cụ thể nhưng Grab cho biết mảng này đang tăng 56% so với cùng kỳ.

 

Mức tăng trưởng ở từng mảng dịch vụ đã giúp khoản lỗ của Grab chỉ còn 68 triệu USD trong quý II, giảm đáng kể so với mức 148 triệu USD cùng kỳ. Đáng chú ý, EBITDA điều chỉnh chuyển từ âm 17 triệu USD cùng kỳ năm 2023 sang dương 64 triệu USD trong quý II/2024.

Mặc dù vậy, Grab vẫn đang trên con đường tìm kiếm lợi nhuận. Trong 12 năm hoạt động, Công ty đã gọi vốn tổng cộng 35 vòng và huy động được 15,5 tỉ USD. Công ty hiện được định giá 15 tỉ USD và đây lại được xem là lợi thế của Grab. Mức định giá chưa vượt khoản tiền huy động và công ty này vẫn đang thay đổi liên tục để tìm kiếm lợi nhuận dù đang ở vị thế dẫn đầu Đông Nam Á. Vị thế này sẽ khiến bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải e ngại khi muốn đầu tư vào dịch vụ làm đối trọng với Grab ở khu vực.

Xét trên toàn Đông Nam Á, Grab đã tối ưu rất tốt nhưng vẫn chưa có lợi nhuận thì việc tìm kiếm lợi nhuận ở từng thị trường sẽ càng vất vả hơn rất nhiều, càng khó thu hút nhà đầu tư. Việc thu hẹp hoạt động của các doanh nghiệp từng được kỳ vọng là đối thủ của Grab như Gojek, Baemin trong thời gian qua là minh chứng. Mặt khác, dù chưa có lãi nhưng theo báo cáo của Grab, tính đến quý II/2024, Công ty đang có 5,6 tỉ USD tiền và các khoản tương đương tiền (nếu trừ đi các khoản vay và nợ vay là 5,3 tỉ USD), đủ để đương đầu với các đối thủ mới.

Be, GSM sẽ khác Gojek, Baemin

Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường gọi xe Việt Nam ước đạt 1,17 tỉ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 3,19 tỉ USD vào năm 2029, với CAGR là 22,1% giai đoạn 2024-2029. Mặc dù vậy, không nhà đầu tư nào muốn tham gia thị trường mà người dẫn đầu ở Đông Nam Á vẫn đang lỗ và có trong tay hơn 5 tỉ USD tiền mặt. Thế nhưng, ở Việt Nam, vẫn có các doanh nghiệp không “ngại khó” như Be và Xanh SM. Các doanh nghiệp này phần lớn chưa có lợi nhuận, nhưng chấp nhận đầu tư để phục vụ mục tiêu lớn hơn của tập đoàn hoặc các đối tác chiến lược. 

Theo báo cáo The Connected Consumer quý I/2024 của Decision Lab, Grab vẫn là ứng dụng gọi xe được ưa chuộng nhất tại Việt Nam với 64% người dùng. Tuy nhiên, thị phần của Grab đã giảm 8% so với năm trước, trong khi Xanh SM nhanh chóng vươn lên vị trí số 2 với 32% thị phần, còn Be chiếm 24%. 

Với Be (thuộc Be Group), đối tác chiến lược của VPBank, đơn vị này cung cấp hầu hết các dịch vụ mà Grab đang khai thác từ gọi xe, giao đồ ăn, kết nối tài chính cho đến quảng cáo bên trong nền tảng. Để tiếp cận nhóm khách hàng trẻ, Be đang là một kênh dẫn tốt cho VPBank. 

 

Một trường hợp tương đồng với Be là Robinhood, được tạo ra bởi SCB X, công ty con thuộc Ngân hàng Thương mại Siam (Thái Lan). Robinhood được điều hành bởi công ty con của SCB X là Purple Ventures. Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư khác tham gia là Brooker Group Public, SCT Rental Car và Loxbit Public, trong đó Purple Ventures nắm 50%. Ứng dụng được tạo ra để giúp các nhà cung cấp vượt qua giai đoạn khó khăn COVID-19, vì thế phí giao dịch và phí nền tảng của họ thấp hơn Grab. Thông qua đó, SCB X cũng tiếp cận các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Gần đây, SCB X đã bán toàn bộ cổ phần Purple Ventures cho nhóm nhà đầu tư Thái Lan do Yip In Tsoi Group dẫn đầu với giá 2 tỉ baht. Theo Creden Data, tính đến cuối năm 2023, Purple Ventures công bố khoản lỗ lũy kế 5,56 tỉ baht. Đổi lại, công ty này xây dựng được một lượng dữ liệu hấp dẫn dành cho các bên sở hữu nó với 400.000 nhà hàng, 4,3 triệu khách hàng và 400.000 nhà cung cấp dịch vụ ăn uống và gọi xe (tính đến tháng 1/2024, theo The Bangkok Post).

Tương tự, Xanh SM trực thuộc GSM, đơn vị cho thuê phương tiện giao thông xanh và taxi đa nền tảng của tỉ phú Phạm Nhật Vượng. Xanh SM nhanh chóng chiếm 20% thị phần sau 1 năm ra mắt. Báo cáo tài chính của Tập đoàn Vingroup gần đây cho thấy GSM đóng góp 5.746 tỉ đồng, chiếm 9% tổng doanh thu. Dù vậy, cho đến nay GSM vẫn chưa công bố lợi nhuận và dường như vẫn tập trung vào nhiệm vụ lớn hơn là phổ cập ô tô, xe máy điện tại thị trường Việt Nam. 

Đó là lý do cả Be và GSM vẫn hoạt động ở Việt Nam bỏ qua các quy luật về hiệu quả dòng vốn, nhưng việc gia tăng đầu tư để cạnh tranh với Grab sẽ khó diễn ra vì đây không phải là mục tiêu chính của cả 2. Các bên đều có nhiệm vụ riêng trong hệ sinh thái của Tập đoàn và chỉ kết thúc khi hoàn thành nhiệm vụ. Cho đến ngày đó, thế trận tam mã Grab – Be – GSM vẫn được duy trì.

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact